GIÁ PHÂN BÓN TĂNG CAO, NÔNG DÂN PHẢI LÀM SAO?

PHÂN BÓN PHÂN BÓN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP HẠT GIỐNG HẠT GIỐNG BỘ SẢN PHẨM BỘ SẢN PHẨM CÁC HOẠT CHẤT KHÁC CÁC HOẠT CHẤT KHÁC HOA LAN - CÂY KIỂNG HOA LAN - CÂY KIỂNG

GIÁ PHÂN BÓN TĂNG CAO, NÔNG DÂN PHẢI LÀM SAO?

Ngày đăng: 04/11/2021 11:37 PM

Giá phân bón tiếp tục tăng nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các mức giá cao kỷ lục trên thế giới liên tục được thiết lập trong tháng 9 và 10, gây bất lợi không nhỏ cho nhà sản xuất trong nước. Tình trạng giá phân bón liên tiếp tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 của bà con nông dân trên cả nước ...

 

GIÁ PHÂN BÓN TĂNG 60-80% SO VỚI CÙNG KỲ, NÔNG DÂN SẢN XUẤT KHÔNG CÓ LÃI

 

Ông Lê Thanh Bòn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: Chưa có năm nào mà giá phân bón lại tăng phi mã như năm nay, giá phân tăng từ 60 - 80% so với các năm trước. Ở vụ lúa thu đông 2021, gia đình ông sản xuất giống OM 380 vừa thu hoạch xong 1ha bán giá chỉ có 4.500 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Sau khi trừ hết chi phí, lãi rất thấp khoảng 800.000 đồng/công. Ông Bòn rất lo cho vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 tới đây vì giá phân bón và các chi phí sản xuất đầu vào tăng mạnh, trong khi đó giá lúa lại giảm sẽ gây áp lực cho nông dân.

 

'Hiện nay ra cửa hàng vật tư nông nghiệp muốn mua bao phân DAP về sử dụng cho 2 công rau màu trồng phía sau nhà ở những tháng mùa lũ này phải bỏ ra gần 1 triệu đồng/bao, tính ra nông dân phải bán hơn cả chục giạ lúa mới mua được một bao DAP”, ông Bòn lo lắng nói.

 

 

Vụ đông xuân 2021 - 2022 ở ĐBSCL đang chịu áp lực cực lớn trước tình cảnh giá phân bón tăng cao (Nguồn: Báo Nông Nghiệp)

 

Hiện nhiều địa phương ở huyện Cát Tiên đã thu hoạch lúa Hè - Thu năm 2021. Theo tính toán của bà con nông dân, trong vụ này, lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều, bởi giá phân bón tăng cao. Ông Nguyễn Văn Ba (xã Gia Viễn) cho biết, trong suốt vụ lúa Hè - Thu này, nông dân mua phân bón với giá rất cao, thuốc bảo vệ thực vật cũng giá tăng từ 10 - 20%. “Mong các ngành chức năng có chính sách kìm giá phân bón để nông dân trồng lúa có lợi. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng, riêng 3 tháng gần đây, nhiều loại phân bón giá tăng ít nhất 60%, có loại tăng gấp đôi. Nếu tình hình này kéo dài, nông dân sẽ rất khó khăn” - ông Ba cho biết. Chính do phân bón tăng cao nên sau 3 tháng trồng và chăm sóc, 2 ha lúa Hè - Thu của gia đình ông Ba chỉ thu về lợi nhuận tầm 18 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí, thấp hơn khoảng 60% so với vụ mùa trước.

 

Anh Huỳnh Bá Thọ, nông dân xã Próh (huyện Đơn Dương) cho biết, giá phân Ure trước có giá khoảng 400.000 đồng/bao nay đã tăng lên hơn 600.000 đồng/bao; phân NPK tăng từ 600.000 đồng/bao lên khoảng 700.000 đồng/bao; phân DAP tăng mạnh với giá khoảng 1.000.000 đồng/bao. Anh Thọ chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3 ha trồng rau, củ các loại. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá rau, củ đã bấp bênh nay với tình hình chi phí đầu tư sản xuất tăng cao, đợt sản xuất này của gia đình e rằng không có lãi”. 

 

 

Nông dân tập trung chăm sóc rau củ sau dịch tại Đơn Dương (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

 

Trước tình hình giá phân bón tăng cao và giá đầu ra nhiều loại nông sản ở mức thấp, nhiều nông dân cho hay, tạm thời buộc phải tính phương án trong sản xuất là giảm lượng bón phân cho nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Nông dân rất mong ngành chức năng cần kịp thời có giải pháp kéo giảm giá phân bón, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tăng cường sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp và giá rẻ để hạn chế sử dụng phân bón hóa học mà vẫn nâng cao được hiệu quả sản xuất.

 

GIÁ CÁC LOẠI PHÂN BÓN TĂNG MẠNH THEO GIÁ DẦU

 

Covid-19 lại tiếp tục gây khó khăn cho thị trường phân bón thế giới. Nhiều nhà máy sản xuất amoniac (NH3) tại châu Âu buộc phải tạm dừng hoạt động do giá thành sản xuất tăng cao vì thiếu khí đốt.

 

Bản tin Argus cho biết, Công ty Yara - Na Uy tuyên bố giảm công suất 40% trên toàn châu Âu còn Công ty BASF của Đức đã đóng cửa 2 nhà máy NH3  vì với mức giá khí mới, giá thành sản xuất NH3 tại châu Âu đã gần chạm ngưỡng 950 USD/tấn trong khi giá nhập khẩu về châu Âu là 670 - 700 USD/tấn CFR (giá tiền hàng và cước phí). NH3 là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón chứa nitơ như URE, DAP, NPK..., do vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá phân bón.

 

Tại Mỹ, giá đã tăng vượt mức 650 USD/tấn theo giá FOB, thiết lập một mức giá kỷ lục mới trong vòng 10 năm trở lại đây. Tại Ai Cập, giá urê tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục 700 USD/tấn giá FOB cho hàng giao tháng 12.2021. Giá urê tăng mạnh trong trạng thái nguồn cung thắt chặt tại châu Âu khi giá khí đốt tăng cao đã khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Cùng với đó, nguồn cung còn bị đe dọa khi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 27.9 vừa qua. Giá tăng mạnh, nguồn cung hạn chế, nhu cầu đang tăng trở lại tại tất cả các thị trường do chuẩn bị bước vào vụ sản xuất. (Nguồn: Báo Thanh Niên)

 

 

Bên trong nhà máy sản xuất của Phân bón Dầu khí Cà Mau (Nguồn: Báo VNExpress)

 

Theo TS Phùng Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết: "Giá phân bón đã tăng đều từ cuối năm 2020 đến nay do tác động của nhiều yếu tố, bao gồm giá dầu tăng, giá cước vận chuyển tăng, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giá dầu hôm nay đã lên 83 USD/thùng trong khi tháng 12 năm 2020 là 50 USD/thùng dầu Brent. Giá dầu lên kéo theo giá khí tăng, mà khí là để sản xuất ra amoniac và lưu huỳnh là nguyên liệu chính để sản xuất ra ure, DAP và một vài loại phân bón khác. Giá URE, DAP, MAP tăng đã kéo các mặt hàng phân bón khác tăng theo. Tuy nhiên, các mặt hàng phân bón khác tăng ở mức độ thấp hơn so với ure, DAP, MAP” –TS Phùng Hà thông tin.

 

Đặc biệt, TS Phùng Hà cũng nhấn mạnh, từ ngày 15.10.2021, tình trạng thiếu khí khiến một số nhà máy sản xuất phân bón của Trung Quốc phải đóng cửa hoặc giảm công suất nên Trung Quốc tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ưu tiên cho sử dụng phân bón trong nội địa. “Khi Trung Quốc dừng xuất khẩu phân bón đã ảnh hưởng đến một số loại phân bón của Việt Nam như DAP, MAP, còn URE thì Việt Nam có thể sản xuất được. Hơn nữa, công suất thiết kế của 4 nhà máy trong nước gần 2,7 triệu tấn đủ cho nhu cầu sử dụng trong nước” – TS Phùng Hà nói. (Nguồn: Báo Lao Động)

 

Tuy chủ động được nguồn cung urê, nhưng chi phí đầu vào tăng mạnh (giá dầu, giá khí, giãn cách ngừa Covid-19 thời gian dài…) khiến nhiều dự báo cho thấy, giá phân bón trong nước sẽ biến động trong thời gian tới.

 

KHẮC PHỤC BÀI TOÁN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

 

Về tương lai, để khắc phục tình trạng thiếu phân bón, đặc biệt là phân bón DAP, MAP, các nhà máy DAP trong nước phải tăng công suất để đảm bảo năng lực sản xuất theo thiết kế. “Việt Nam hiện đang có 3 nhà máy DAP ở Lào Cai và Hải Phòng với công suất mỗi nhà máy là 330.000 tấn/năm nhưng 2 nhà máy này chưa sản xuất không hết công suất thiết kế. Còn nhà máy DAP Đức Giang có công suất 100.000 tấn/năm cho DAP và MAP. Nhu cầu sử dụng DAP trong nước khoảng 1 triệu tấn/năm, nếu 3 nhà máy này sản xuất hết công suất cũng có thể gần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước"- TS Phùng Hà cho hay.

 

Cũng theo TS Phùng Hà, về kali, Việt Nam không nhập từ Trung Quốc mà nhập từ một số nước như Nga, Belarus, nên cũng không bị ảnh hưởng. Việt Nam cũng có năng lực sản xuất phân bón chứa lân (bao gồm 2 loại: Super lân và lân nung chảy) đủ đáp ứng cho thị trường.

 

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết, hiện nay nông dân canh tác lúa và các loại cây trồng nói chung tại vùng ÐBSCL ít sử dụng các loại phân bón hữu cơ mà chủ yếu sử dụng phân vô cơ (phân hóa học). Ðiều này đã khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn khi giá các loại phân bón vô cơ đã liên tục tăng cao như hiện nay. 

 

Để sản xuất cây trồng hiệu quả trong tình cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ngành nông nghiệp Cần Thơ đưa ra khuyến cáo cách tiết kiệm nhất có thể tận dụng nguồn phân hữu cơ có sẵn. Nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa không nên đốt rơm rạ ngoài đồng vừa gây ô nhiễm môi trường và không tốt cho đất để làm vụ tiếp theo. Nông dân nên xới trục đất tận dụng rơm rạ có sẵn trên đồng ruộng làm phân bón hữu cơ bổ sung cho đất. Đồng thời cho đất nghỉ ngơi một thời gian, trong mùa vụ cần áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến như: IPM, 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm - tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế)… nhằm giảm chi phí đầu tư.

 

 

Nông dân tập trung chăm sóc vụ lúa Đông - Xuân (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

 

Ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên cho biết, từ giữa năm 2021, ngay khi nhận thấy giá phân bón có chiều hướng tăng, huyện đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất của bà con, đảm bảo nguồn cung phân bón và khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm. Qua nắm bắt tình hình, vụ lúa Hè - Thu năm nay phát triển tốt, cho năng suất cao tương đương với những năm trước, sản lượng đạt trên 64 tạ/ha. Đối với vụ lúa Đông - Xuân, thời điểm hiện tại bà con nông dân đã xuống giống hơn 1.000 ha trên khoảng hơn 4.000 ha tổng diện tích lúa của huyện. Nông dân trồng lúa xuống giống đúng vụ, không có tình trạng bà con vì giá phân bón cao mà bỏ trống đồng ruộng. 

 

Các địa phương cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tập trung xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, phân bón sử dụng trong tưới nhỏ giọt, châm phân tự động và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; hạn chế sử dụng các loại phân đơn trong canh tác. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón để kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa, phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất cây trồng.

 

Trích nguồn

https://laodong.vn/kinh-te/nong-dan-phai-3-giam-3-tang-khi-gia-phan-bon-tang-phi-ma-965057.ldo

https://thanhnien.vn/khung-hoang-nguon-cung-gia-phan-ure-the-gioi-tang-lien-tuc-post1386797.html

https://nongnghiep.vn/gia-phan-bon-tang-phi-ma-nong-dan-sao-chiu-noi-d304752.html

http://baolamdong.vn/kinhte/202110/go-kho-cho-nong-dan-khi-gia-phan-bon-tang-cao-3086159/

0
Hotline: 0835294953
Chỉ đường icon zalo Zalo SMS: 0835294953